Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Đến với tình nghề



(Baonghean)
 Thời điểm này dường như ý nghĩa hơn đối với những người làm báo dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Tự hào với những thành tựu hôm nay của Báo Nghệ An, thế hệ phóng viên trẻ của Báo càng nhận thức về trách nhiệm cầm bút. Niềm vui của họ vẫn là hiệu ứng xã hội tích cực sau mỗi bài báo, là những kỷ niệm về tình đồng nghiệp, tình nghề khó quên…
 Nhìn vào danh sách tác phẩm đoạt giải Báo chí Nghệ An năm 2011, có thể thấy đượcnỗ lực của những cây viết trẻ Báo Nghệ An, như “Xung quanh chuyện tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm” (giải Nhì) của Mỹ Hà, Thanh Lê và Thành Duy; “Đồng bào giáo dân sống phúc âm trong lòng dân tộc” (giải Ba) của Khánh Ly; “Trốn nợ bảo hiểm trong các doanh nghiệp” (giải Ba) của Minh Quân; “Thủ thuật của những lái trâu và đồ tể” (giải Ba) của Văn Trường- Phạm Bằng… Đặc biệt, tác phẩm “Theo chân đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ” của Thành Chung đạt giải C, giải Báo chí quốc gia 2011!
     

Phóng viên Báo Nghệ An đến với vùng sâu Thạch Ngàn (Con Cuông). Ảnh: SM


Kinh nghiệm của người đi trước, những quan tâm của lãnh đạo đã tạo điều kiện cho những người viết trẻ ở Báo Nghệ An phát huy khả năng và nhiệt huyết cống hiến. Một phóng viên trẻ tâm sự: “Cách đây hơn 5 năm, buổi đầu khi cầm tập hồ sơ tuyển dụng đến “gõ cửa” Báo Nghệ An, chúng tôi đã nhận được những lời khuyên chân tình của lãnh đạo Ban biên tập, rằng điều cần thiết nhất của nghề báo là năng khiếu, niềm đam mê, sẵn sàng dấn thân, không sợ khó, không ngại khổ.
Tất cả điều đó thể hiện qua chính sản phẩm là bài viết. Vì thế, việc trước tiên là đi viết bài, nếu viết tốt thì cơ quan sẽ mời đến thử việc. Hết sức lo lắng vì chưa học chuyên ngành báo chí nhưng tôi vẫn quyết tâm thử sức. Bài được đăng vui như bắt được vàng. Nhưng cũng từ đó, qua phản hồi của bạn đọc, sự quan tâm uốn nắn của lãnh đạo cơ quan, chúng tôi còn ý thức được đến với nghề báo thực sự không dễ dàng, đòi hỏi phải có đủ bản lĩnh để vượt qua những thách thức và cám dỗ”.
Còn với phóng viên Thành Chung, để có tác phẩm “Theo chân đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ”, anh đã có 2 tuần đáng nhớ trong quãng đời làm báo.Trong 2 tuần theo chân các chiến sỹ đoàn quy tập ta ở 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Viêng Chăn, điều làm tôi ấn tượng nhất là tình cảm, ý thức trách nhiệm của những chiến sỹ trẻ thuộc Tỉnh đội Nghệ An đối với cha ông, đồng đội mình, đối với quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, là tình cảm anh em ruột thịt giữa 2 dân tộc Việt Nam – Lào. Mình không thể nào quên, 3 ngày ở lại bản Na Mường, huyện Muang Kham, tỉnh Xiêng Khoảng. Các chiến sỹ Đoàn Quy tập đã thực sự trở thành những người con của dân bản. Các anh đã ở, ăn cùng với người dân Lào, luôn giúp đỡ người dân từ những việc đơn giản như chăm sóc vườn tược, nấu ăn đến việc sửa nhà… Bà con ở đây cũng coi các chiến sỹ như con cháu trong nhà, lâu ngày mới về, ai cũng quý cũng yêu.

Nhanh chóng trưởng thành trong nghề, hầu hết các phóng viên trẻ Báo Nghệ An đều nhận thấy may mắn được đến với nghề báo. Chính nghề báo đã tạo cho họ cơ hội được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, khám phá những điều thú vị, chia sẻ với những số phận bất hạnh cũng như có được bao điều trải nghiệm từ cuộc sống. Hiểu được, với người làm báo, niềm hạnh phúc lớn nhất là những khi bài viết của mình được bạn đọc đón nhận, hay đã đem đến niềm vui, hạnh phúc (dù rất nhỏ) đối với mọi người; cùng với đó là niềm tin yêu, trân trọng và sự giúp đỡ, sẻ chia của nhân dânở những nơi phóng viên đến tác nghiệp (tiếp cận, thu thập và xử lý thông tin)…

Là một phóng viên trẻ, tôi nhớ mãi lần tác nghiệp vào những ngày cuối tháng 6/2011, khi trận lũ quét lịch sử tàn phá khu vực Thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn). Khi nhận được tin, chúng tôi lập tức soạn sửa để lên đường. Đến địa bàn xã Lưu Kiền (Tương Dương), do Quốc lộ 7A bị sạt lở nặng, một số đoạn bị cắt đứt hoàn toàn, bùn ngập trên dưới 1m nên các loại phương tiện, đặc biệt là xe ô tô không thể lưu thông.
Xác định phía trước là hàng nghìn người dân đang hoang mang, lo lắng vì bị trôi mất nhà cửa, đồ đạc, thậm chí đối diện nguy cơ thiếu đói và cảnh “màn trời chiếu đất”, chúng tôi quyết định gửi lại đồ đạc, chỉ mang theo máy ảnh và máy tính rồi bằng mọi cách phải lên được Kỳ Sơn. Vượt qua những đoạn đường bùn ngập sâu quá gối, những đoạn nước lũ khoét sâu vào chân núi, bên cạnh là dòng Nậm Mộ đang cuồn cuộn với dòng nước ngầu đục, trời tối dần, thật sự có lúc chúng tôi thấy nản lòng và bắt đầu nghĩ đến chuyện chùn bước.
Nhưng nghĩ tới cảnh sống của người dân nơi “rốn lũ”, chúng tôi cố gắng vượt qua tất cả. Hành trình 30 km đi trong sự lo âu, thấp thỏm ấy kéo dài gần 7 giờ đồng hồ. Đến Mường Xén lúc ấy đã 9h đêm, hệ thống truyền tải điện bị hư hỏng hoàn toàn nên vùng “rốn lũ” dày đặc đêm đen. Phải đợi đến rạng sáng hôm sau, chúng tôi mới có điều kiện “mục sở thị” cảnh tan hoang nơi cơn lũ đi qua. Thấy chúng tôi mặc quần cộc lội khắp các ngả đường để tác nghiệp, bà con tỏ ra rất khâm phục và cảm động….

Làm báo là một điều kiện trải nghiệm tốt để mỗi phóng viên phát huy được những sở trường của mình. Những nữ phóng viên trẻ như Khánh Ly, Thanh Phúc, Mỹ Hà… đã miệt mài đi, viết với tinh thần “đâu cần phóng viên có” không kém cánh nam phóng viên để trưởng thành hơn cả về nghiệp vụ và các hoạt động, công tác khác. Sự chịu khó, lăn xả và tâm huyết làm nghề của thế hệ phóng viên trẻ dườngnhư đã “hâm nóng” hơn nhiệt huyết nghề của các anh, chị đi trước để từ những kinh nghiệm quý của mình, nỗ lực hơn nữa trong nghề tạo tấm gương cho phóng viên trẻ phấn đấu học tập.
Đó là các anh, chị Văn Hải, Thùy Vinh, Châu Lan, Thu Huyền…, với những đề tài nóng hổi tính thời sự, kỳ khu trong tác nghiệp và dụng công với mỗi bài viết, tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực để từ đó các cơ quan, ngành chức năng và các địa phương ghi nhận, hồi âm và quan tâm giải quyết, đem lại sự ổn định xã hội, quyền lợi chính đáng cho người dân, hướng sự quan tâm của xã hội một cách thiết thực đối với những phận người bị thiệt thòi trong cuộc sống… Thế hệ phóng viên trẻ Báo Nghệ An cũng có thể tự hào đã được công tác trong một môi trường báo Đảng có những tấm gương như anh Nguyễn Ngọc Đức, vừa từ trần vì bạo bệnh vào những ngày đầu tháng 6 này. Là một nhà báo vững nghề, yêu nghề, anh còn là tác giả của các kịch bản phim “Gió đại ngàn”, “Khi đàn chim trở về”, “Của chìm của nổi”, “Mũi tên xanh”. Hay như anh Công Sáng, đang ở hàng “trưởng lão” nhưng vẫn nhiệt tình, lăn lộn đi cơ sở…

Phía trước của nghề báo đang là những thử thách đối với thế hệ phóng viên trẻ, nhưng họ có quyền tự tin vượt mọi khó khăn, trưởng thành không ngừng khi họ tâm niệm “tôi là phóng viên Báo Nghệ An” – tờ báo Đảng trên quê hương Bác Hồ.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét